Vùng Á Đông Hình tượng con rắn trong văn hóa

Trong quan niệm về rắn ở các nước phương Đông, trong một số nền văn hóa, hình tượng rắn có vị trí quan trọng trong thế giới biểu tượng. Rắn thường thể hiện hình ảnh khác nhau như thần hiền, thần ác, điều tốt, điều xấu, sự hủy diệt, tái sinh, tình yêu. Trong văn hóa Việt Nam, rắn không chỉ là loài động vật bình thường mà còn trở thành một biểu tượng tâm linh.[4] Tị là một trong số 12 địa chi của Thiên Can Địa Chi, trong lịch Trung QuốcViệt Nam và quý tỵ được biểu hiện bằng con rắn.

Tại các quốc gia châu Á, như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Campuchia, việc uống rượu pha tiết rắn—cụ thể là rắn hổ mang—được cho là làm gia tăng khả năng tình dục.[13] Việc lấy tiết rắn được thực hiện khi con rắn còn sống và nó được pha với một vài loại rượu mạnh hay rượu mùi để cải thiện mùi vị.[13] Tại một số quốc gia châu Á việc sử dụng rắn ngâm trong rượu cũng được chấp nhận. Trong trường hợp này nguyên cả con rắn hay nguyên cả con của một vài loại rắn được ngâm trong bình rượu mạnh hay rượu mùi. Người ta cho rằng rượu rắn có tác dụng tốt với cơ thể (và rượu rắn cũng được bán đắt hơn). Một ví dụ là loài rắn lục Habu (Trimeresurus flavoviridis) đôi khi được ngâm trong rượu Awamori của người dân Okinawa và được gọi là "Habu Sake".[14]

Trong thần thoại Nhật Bản còn có con rắn Yamata no Orochi (Nhật: 八岐の大蛇? Bát Kì Đại Xà), hay còn được gọi tắt là Orochi. Đây là một sinh vật dạng rắn trong Thần đạo Nhật Bản. Yamata no Orochi được miêu tả có tám cái đầu, tám cái đuôi cùng 8 cặp mắt với màu đỏ. Thân hình khổng lồ của Orochi được miêu tả trải dài 8 thung lũng, 8 quả đồi. Nó ngụy trang bằng rêu phong, cây bách và cây tuyết tùng trên lưng nên trông nó không khác gì một dãy núi.

Trung Quốc

Ở Trung Quốc tồn tại từ lâu hình tượng thần Phục Hy đầu người đuôi rắn, thần Nữ Oa đầu người mình rắn. Nước này còn có truyền thuyết Bạch Xà truyện (白蛇傳), còn có tên là Hứa Tiên và Bạch Nương Tử (許仙與白娘子) là một trong bốn truyền thuyết dân gian lớn của Trung Quốc. Câu chuyện ra đời vào thời Nam Tống hoặc sớm hơn và được lưu truyền rộng rãi dưới thời nhà Thanh, là sản phẩm sáng tác tập thể của dân gian Trung Quốc. Nội dung Bạch Xà truyện miêu tả câu chuyện tình yêu giữa một Bạch xà tinh tu luyện thành người (Bạch Nương Tử) và một chàng trai ở trần gian (Hứa Tiên). Câu chuyện đã nhiều lần được chuyển thể thành Kinh kịch, phim điện ảnhphim truyền hình mà nổi bật là bộ phim Truyền thuyết Bạch Xà.

Bạch Xà truyện được lưu truyền rộng rãi ở Trung Quốc, ban đầu là truyền miệng, sau đó nhiều hình thức truyền bá dân gian xuất hiện như bình thoại, thuyết thư, đàn từ xuất hiện, dần dần được chuyển thể thành kịch. Sau này còn có tiểu thuyết, sau Dân quốc còn có ca kịch, kịch Đài Loan, truyện tranh. Đến hiện đại Bạch Xà truyện còn được quay thành điện ảnh, cải biên thành múa hiện đại, tiểu thuyết kiểu mới... Tên gọi Bạch Xà truyện có thể xuất hiện vào cuối thời Thanh, trước đó không có tên gọi cố định nào. truyền thuyết Bạch Xà truyện có liên quan đến Ấn Độ giáo. Chuyện sáng thế trong Ấn Độ giáo cũng bắt đầu từ hai con rắn lớn (Naga) khuấy động sữa biển.

Trong khi đa phần các nền văn hóa không dùng rắn làm thực phẩm thì tại một số quốc gia việc sử dụng rắn làm thực phẩm lại được chấp nhận hay thậm chí còn được coi là đặc sản, do các thức ăn chế biến từ rắn được đánh giá cao về tác dụng y học. Món xúp rắn trong ẩm thực Quảng Đông được người dân tại đây dùng trong mùa thu do họ coi nó có tác dụng làm ấm cơ thể. Rượu rắn (蛇酒; xà tửu) là loại rượu ngâm nguyên cả con rắn trong các loại rượu sản xuất từ gạo hay ngũ cốc. Việc uống rượu rắn tại Trung Quốc lần đầu tiên được ghi chép lại có từ thời Tây Chu và được coi là có tác dụng chữa bệnh và làm cường tráng cơ thể theo y học cổ truyền Trung Hoa.[15]

Việt Nam

Rắn là hình tượng khá quen thuộc trong đời sống văn hóa người Việt Nam và điều đáng chú ý trong hình tượng rắn của người Việt Nam là xuất hiện rất đa dạng với những biến thể khác nhau, như rắn, trăn, chằn tinh, giao long, thuồng luồng, thậm chí là rồng. Ở mỗi một hình thức thể hiện của rắn, hoặc với mỗi một biến thể, hình tượng rắn đều mang những ý nghĩa nhất định. Có thể tìm thấy điều này trong các câu truyện cổ tích, huyền thoại, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật, mỹ thuật, tạo hình.[16] Trong bộ Kho tàng cổ tích Việt Nam trong tổng số 200 chuyện thì đã có 11 chuyện đề cập đến hình tượng rắn hoặc các biến thể của rắn như giao long, thuồng luồng, chằn tinh... trong đó có những chuyện ca ngợi sự giúp đỡ của rắn đối với con người, một số truyện khác lại nói đến việc rắn hại người. Người Việt có câu chuyện truyền thuyết về loài rắn như câu chuyện Thạch Sanh, Lý Thông, một huyền thoại khác là rắn báo oán mà Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.

Trong hầu hết các câu chuyện ở Việt Nam, rắn thường gắn với cái ác. Người Việt quan niệm rắn là loài đáng sợ nên không nhiều người thích chúng, vì nọc độc của một số loài rắn có thể giết người ngay tức khắc, vì thế những người tính cách không tốt, thường được ví như người ác, gian manh hay thích nhục dục.[4] Mặt khác, đối với người Việt Nam, rắn không phải là loài vật thân thiện với con người cho lắm chính vì thế trong quan niệm dân gian, rắn là con vật hiểm ác, tinh quái (mãng xà, xà tinh) và có phần gian xảo, rắn không có được hình ảnh đẹp trong tâm thức, khi người ta nhắc đến rắn thường thì kèm theo những điều xấu. Hình tượng con rắn trong dân gian thường tượng trưng cho hạng người xấu, lòng sâu dạ hiểm.[17] Tuy nhiên cũng chính vì những đặc tính đó mà con người thần thánh hóa loài rắn, thờ cúng rắn như một vị thủy thần để cầu thân với rắn, mong rắn không làm hại người.[18]

Trong văn hoá dân gian Việt Nam, rắn không được xem là biểu tượng gắn với tôn giáo (trừ trường hợp Phật giáo của người Khmer sống ở Nam Bộ). Tục thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thuỷ của người Việt cổ với hai ý nghĩa chính là tục thờ thủy thần. Tục thờ này mang ý niệm về sông nước của cư dân làm nông nghiệp. Các đền thờ rắn xuất hiện dọc theo các con sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống.[4] Rắn xuất hiện với biến thể là giao long có thể tìm thấy trong truyền thuyết Lạc Long Quân, huyền thoại Linh Lang Vương… Trong hình hài là giao long, rắn dường như được phủ lên một lớp văn hóa muộn, bởi nó đã bước đầu nhuốm màu sắc phong kiến.[16]

Biểu tượng rắn thuỷ thần có hai thuộc tính: tốt và xấu. Rắn là vị thần nước giúp mưa thuật gió hoà, mang điềm lành và báo điềm dữ. Rắn là con vật tinh quái phá hoại mùa màng và cuộc sống của người dân. Hình tượng con Chằn (một biến thể của rắn) trong văn hoá người Khmer Nam Bộ lại thể hiện cả hai mặt tốt và xấu: có vai trò bảo vệ con người nhưng đồng thời cũng đại diện cho tính ác, phá hoại cuộc sống bình yên của con người.[6] Trẻ con ở Việt Nam vào các buổi chiều sau khi cơm nước no nê, thường hay tụ lại các khoảng sân rộng trong xóm hoặc một thửa ruộng gần nhà đã thu hoạch xong (tháng mười một, tháng chạp) chơi trò đuổi bắt, rồng rắn lên mây. Trò chơi này có ở hầu khắp các địa phương.[17]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hình tượng con rắn trong văn hóa http://www.cn939.com/tcm-article-read-4694.html http://www.fabuloustravel.com/gourmet/travel/cobra... http://books.google.com/books?id=BumyQJ14n8sC&pg=P... http://books.google.com/books?id=T4N1HcruTeAC http://news.nationalgeographic.com/news/2002/04/04... http://mimobile.byu.edu/?m=5&table=books&bookid=46... http://ww2.pstripes.osd.mil/01/mag/sm072201c.html http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/quan-niem-ve... http://www.apollon.uio.no/vis/art/2006_4/Artikler/... http://www.archive.org/details/serpentworshipin211...